Cao Bằng triển khai các giải pháp duy trì và phát triển các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2016 - 2020. Bước đầu hình thành những mô hình sản xuất an toàn, có ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân.

|
Sản phẩm nông sản của tỉnh được giới thiệu, quảng bá
thông qua các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế.
|
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 -
2020 xác định Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM giai đoạn
2016 - 2020 là chương trình trọng tâm của tỉnh, với mục tiêu "Phát triển
nông nghiệp nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp
của tỉnh gắn với XDNTM.
Hình thành nền nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng và
năng lực cạnh tranh cao; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông, lâm
nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện
mức sống, giảm nghèo bền vững tiến tới phát triển ổn định và hội nhập".
Thực hiện Chương trình, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách tạo
động lực thu hút đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai dự án, mô hình liên kết
sản xuất nông nghiệp. Qua đó có 34 dự án được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư
vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đăng ký 6.165 tỷ đồng, trong đó một số dự
án mang tính chiến lược, lâu dài, tạo tiền đề tốt cho việc phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025...
Một số sản phẩm như: thạch đen, rau hữu cơ Hòa An, rau an
toàn Thạch An, Nguyên Bình, miến dong Phja Đén, gạo nếp Hương Trùng Khánh, gạo
nếp Pì Pất Hòa An, lê, dẻ, cam, quýt, lạp sườn, thịt sấy khô các loại và nhiều
sản phẩm nông nghiệp khác... được giới thiệu, bán ra thị trường trong và ngoài
tỉnh.

|
Duy trì và sử dụng có hiệu quả diện tích đất trồng lúa, đảm
bảo an ninh lương thực.
|
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chuỗi sản xuất hàng hóa.
Tập trung xây dựng bao bì, nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, triển khai ứng
dụng các công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Cấp mã
Qrcode cho sản phẩm, tem truy xuất sản phẩm thông qua phần mềm đăng ký, trên
18.000 tem truy xuất nguồn gốc được dán lên các sản phẩm hàng hóa như: miến
dong, bí Hương, chè Đoỏng Pán, lạp sườn, nấm hương, gạo đặc sản...
Triển khai Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ liên
kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị tỉnh Cao Bằng” (phần mềm
Agrolink.vn) hỗ trợ kết nối, liên kết nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà
nước trong nghiên cứu, sản xuất, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.
Tăng cường thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), dự kiến đến hết năm 2020
có 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh, 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp huyện.
Hiện nay, một số cây trồng đạt giá trị cao như: thuốc lá,
bình quân trên 80 triệu đồng/ha; cây chanh leo trên 160 triệu đồng/ha; gừng hữu
cơ trên 140 triệu đồng/ha... đưa thu nhập bình quân trên diện tích sản xuất đạt
40 triệu đồng/ha/năm (tăng 4 triệu đồng/ha so với năm 2016). Tổng đàn gia súc,
gia cầm có mức tăng trưởng khá.
Đã cấp chủ trương cho 19 dự án lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay
đã có 10 dự án triển khai thực hiện và có sản phẩm bán ra thị trường (lợn thịt,
lợn rừng, bò...). Tiêu biểu là một số dự án chăn nuôi công nghiệp với hệ thống
chuồng trại tiên tiến, khép kín như: Dự án trang trại chăn nuôi Thông Huề của
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Cao Bằng; Dự án trang trại lợn giống, lợn thịt
tiêu chuẩn công nghiệp Ánh Dương của Công ty cổ phần Chăn nuôi Ánh Dương; Dự án
chăn nuôi bò và chế biến sữa công nghiệp cao tỉnh Cao Bằng...
Trồng rừng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7.441 ha, trong đó triển
khai có hiệu quả công tác trồng rừng từ các chương trình, dự án, thực hiện trồng
rừng thay thế. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng được quan tâm,
tiến hành giao khoán bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, xây dựng nội quy, quy
chế bảo vệ rừng…, góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh từ 53,8% năm 2016
lên 55,23% năm 2020, tăng 1,43%. Thu hút một số doanh nghiệp tham gia trồng,
phát triển một số lâm sản đặc hữu, như quế, hồi, dược liệu...

|
Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung đang được các địa
phương quan tâm.
|
Việc tái cơ cấu trong nông, lâm nghiệp đem lại hiệu quả rõ
rệt; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,6%/năm; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển
đổi theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng sản xuất trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn
nuôi... bám sát theo các mục tiêu, định hướng của Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đến hết
năm 2019, có 20 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 11,3% trên
tổng số xã, đạt 100% mục tiêu 5 năm (2016 - 2020) theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại
hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Dự kiến đến hết năm 2020 có thêm 5 xã đạt chuẩn
nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 25 xã.
Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và khai thác tối
đa tiềm năng, lợi thế, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các sở, ngành, địa
phương tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành Đề án nông nghiệp thông
minh tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu hình thành
các vùng sản xuất nông nghiệp, quy hoạch các vùng để ổn định sản xuất; vùng
phát triển sản xuất tập trung các cây trồng, vật nuôi chủ lực.
Xây dựng vùng nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao
phù hợp với các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, xây dựng nền
nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, các sản
phẩm có năng suất, chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật VietGap,
GlobalGap, hữu cơ...

|
Quýt là cây trồng đặc hữu của địa phương được ngành nông
nghiệp tập trung phát triển trong thời gian tới.
|
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bế
Xuân Tiến, việc xác định phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo hướng
hàng hóa đặc sản trong thời gian tới đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức và
không ít cơ hội. Nhưng đây là bước đi mới, giải pháp đột phá để nền nông nghiệp
tỉnh bắt kịp với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trước tiên đối với Cao Bằng, khi bước đầu triển khai nông
nghiệp thông minh xác định ứng dụng công nghệ cao tập trung vào một số vùng,
lĩnh vực, một số cây trồng, vật nuôi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tập trung
vào một số khâu quan trọng như: giống, kỹ thuật sản xuất, công nghệ sản xuất,
chế biến, tiêu thụ...; đồng thời nông nghiệp thông minh kết hợp với lựa chọn
công nghệ tiên tiến, phát huy sự tham gia của lực lượng nghiên cứu, chuyển giao
khoa học và công nghệ, các thành phần kinh tế, trong đó chủ thể hạt nhân là các
doanh nghiệp và người dân.