Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội thảo “Cộng đồng ASEAN và chương trình Hành động của Việt Nam”
Lượt xem: 57
Cộng đồng ASEAN ra đời là một dấu mốc phát triển mới của ASEAN, thể hiện nhận thức và lợi ích chung của các nước ASEAN về sự cần thiết nâng cao liên kết nhằm tận dụng các cơ hội và hóa giải các thách thức. Định hướng bao trùm của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cùng các Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên 3 trụ cột là củng cố và nâng tầm liên kết ASEAN trong 10 năm tới.

Thưa các Quý vị đại biểu,

Trước hết, tôi xin nhiệt liệt chào mừng toàn thể các Quý vị tới tham dự Hội thảo “Cộng đồng ASEAN và Chương trình Hành động của Việt Nam”.

Thưa các Quý vị,

Cách đây 3 tuần, các Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố Hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 nhằm định hướng cho ASEAN trong 10 năm tới.

Cộng đồng ASEAN ra đời là một dấu mốc phát triển mới của ASEAN, thể hiện nhận thức và lợi ích chung của các nước ASEAN về sự cần thiết nâng cao liên kết nhằm tận dụng các cơ hội và hóa giải các thách thức. Định hướng bao trùm của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cùng các Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên 3 trụ cột là củng cố và nâng tầm liên kết ASEAN trong 10 năm tới.

Về cơ bản, liên kết ASEAN trong 10 năm tới sẽ bám sát 6 định hướng lớn gồm: 
(i) Nâng cao hiệu quả và tính thực chất của Liên kết ASEAN và hợp tác ASEAN với các đối tác;

 
(ii) Đề cao và tăng cường yếu tố luật lệ trong các hoạt động của ASEAN; 
(iii) Thúc đẩy sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; 
(iv) Nâng cao khả năng tự cường của ASEAN trong việc ứng phó, xử lý các thách thức và các biến động bất thường; 

(v) Chú trọng yếu tố phát triển bền vững, gắn liền với Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc;

(vi) Củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, đồng thời nâng cao đóng góp và vị thế toàn cầu của ASEAN.

Quá trình thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể tới đây chắc chắn sẽ chịu tác động của nhiều nhân tố.

Từ bên ngoài, biến động không ngừng của thế giới và khu vực đặt ra cho ASEAN yêu cầu phải nhạy bén trước các cơ hội và thách thức mới, đồng thời phải linh hoạt để có những điều chỉnh kịp thời về định hướng và chiến lược.

Từ nội tại, ASEAN cũng gặp không ít khó khăn do sự khác biệt về lợi ích giữa các quốc gia, sự hạn chế về nguồn lực cũng như hiệu quả của bộ máy tổ chức.

Thưa các Quý vị,

Nước ta, cũng như các nước ASEAN khác, quá trình xây dựng Cộng đồng thời gian tới sẽ đem lại nhiều cơ hội. 

Về chính trị, an ninh, chúng ta có cơ hội củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị khi các nước ASEAN chia sẻ và gắn kết sâu hơn các lợi ích an ninh với nhau.

Về kinh tế, chúng ta có cơ hội mở rộng được thị trường hàng hoá và dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, định vị đất nước vào vị trí tối ưu trong chuỗi sản xuất và phân phối ở khu vực và toàn cầu.

Về văn hóa, xã hội, chúng ta có cơ hội thực hiện các chuẩn mực cao hơn về văn hóa xã hội, các tiêu chí về bảo vệ quyền con người, chia sẻ và làm giầu bản sắc văn hóa, xã hội của dân tộc Việt Nam.

Việc hiện thực hóa được các cơ hội ấy sẽ đóng góp rất thiết thực vào các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định của đất nước, đồng thời tạo nên tác động rất lớn tới quá trình nâng cao vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, do mức độ phát triển trên nhiều mặt của nước ta vẫn còn xa với nhiều nước ASEAN, nhất là các nước trong nhóm nước ASEAN-4, quá trình thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên cả ba trụ cột đặt chúng ta trước nhiều thách thức lớn hơn các nước khác, nhất là về kinh tế.

So với các nước ASEAN, nhất là ASEAN-6, hầu hết các doanh nghiệp của chúng ta nhỏ bé về quy mô, lạc hậu về công nghệ. Giới doanh nhân của chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong cạnh tranh, trong kinh doanh quốc tế.

Thời điểm cộng đồng ASEAN bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2015, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn hơn từ hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ ASEAN, từ đầu tư của các nước ASEAN.

Thưa các quý vị,

Khi ASEAN bắt đầu triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), chúng ta đã kịp thời xây dựng “Đề án về Phương hướng và Biện pháp Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN đến năm 2015” và Chương trình Hành động của Chính phủ để triển khai.

Trong Chiến lược Hội nhập quốc tế mà chúng ta đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các định hướng cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng và thực hiện các kế hoạch triển khai Tầm nhìn là những nội dung ưu tiên cao. 

Tuy nhiên, so với nhiều nước ASEAN, chúng ta đã chậm cả về nhận thức lẫn hành động cụ thể. Theo điều tra mới đây của một số học giả trong nước và của Ban thư ký ASEAN, nhận thức về Cộng đồng ASEAN, về cơ hội và thách thức từ việc hình thành Cộng đồng ASEAN của doanh nhân, của sinh viên và người dân nước ta nói chung ở mức thấp, nhất là so với các nước Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Chỉ còn vài ngày nữa là chúng ta sẽ cùng sống trong Cộng đồng ASEAN.  Thời gian không chờ đợi chúng ta.

Hội thảo hôm nay với sự có mặt của đại diện các bộ, ban, ngành trực tiếp tham gia quá trình xây dựng các định hướng chung về Cộng đồng ASEAN, về Tầm nhìn 2025 và các Kế hoạch triển khai Tầm nhìn; sự có mặt của các cơ quan, đoàn thể và tổ chức, hiệp hội, chúng ta sẽ nghe các đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội báo cáo những nội dung chính của từng Cộng đồng, của Tầm nhìn trong từng lĩnh vực và Kế hoạch triển khai Tầm nhìn đến 2025.

Tiếp đó, không nên bàn nhiều về cơ hội và thách thức của việc ASEAN trở thành Cộng đồng, mà nên tập trung thảo luận vào các nhóm vấn đề sau đây:

Thứ nhất, các định hướng cụ thể để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức và toàn thể nhân dân về Cộng đồng ASEAN; về cơ hội và thách thức đối với tổ chức và cá nhân người dân;

Thứ hai, các định hướng xây dựng chương trình hành động của các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội trong từng trụ cột, từng Cộng đồng và từng Kế hoạch triển khai Tầm nhìn của ASEAN.

Thứ ba, các định hướng tiến hành các công việc chuẩn bị cần thiết khác để triển khai trước mắt và sau khi đã xây dựng xong các chương trình hành động cụ thể.

Thưa các quý vị,

Trong khuôn khổ một cuộc Hội thảo, chúng ta không thể giải quyết được tất cả mọi việc. Tôi đề nghị các quý vị, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, cuộc Hội thảo hôm nay sẽ cung cấp cho chúng ta một sự nhận thức chung về chương trình hành động; các quý vị sẽ hình dung rõ hơn những việc mình phải làm.

Bộ Ngoại giao, với tư cách là cơ quan điều phối quốc gia về hợp tác ASEAN, sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, xây dựng Đề án về Phương hướng và Biện pháp Việt Nam tham gia ASEAN đến 2025 nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất, khai thác hiệu quả các cơ hội, vượt qua các thách thức khi tham gia hợp tác ASEAN trong thời gian tới đây. 
Chúc Hội thảo thành công và chúc sức khỏe Quý vị đại biểu.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Theo Mofa.