Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tổng thống Obama bắt đầu công du châu Á
Lượt xem: 154
Chiều 21/5 (giờ địa phương), Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã bắt đầu chuyến công du thứ 10 tới châu Á.

Chiều 21/5 (giờ địa phương), Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã bắt đầu chuyến công du thứ 10 tới châu Á.

Tổng thống Obama có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh AFP

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes cho biết, chuyến thăm sẽ nhấn mạnh cam kết của tổng thống với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong chuyến đi kéo dài một tuần, Tổng thống Obama sẽ có ba ngày ở thăm Việt Nam, với các chặng dừng chân ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

AP dẫn thông báo của Nhà Trắng trước đó cho biết, Tổng thống Obama sẽ có các cuộc gặp chính thức với các nhà lãnh đạo Việt Nam để thảo luận về Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy hợp tác trên một loạt lĩnh vực, trong đó có kinh tế, giao lưu nhân dân, an ninh nhân quyền cũng như các vấn đề khu vực và thế giới cùng quan tâm.

Tại thủ đô Hà Nội, Tổng thống Obama sẽ có bài phát biểu quan trọng về quan hệ Việt Nam – Hòa Kỳ. Trong các cuộc gặp và tham dự sự kiện ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ông Obama sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay. Tổng thống Obama cũng sẽ gặp gỡ các thành viên xã hội dân sự, đại diện Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á, các doanh nghiệp và cộng đồng kinh doanh.

Đề cập đến một điểm nhấn của chuyến thăm ABC News cho rằng, ông Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ thứ ba Việt Nam kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc 41 năm trước, sau các chuyến thăm năm 2000 của Tổng thống Bill Clinton và năm 2006 của Tổng thống George W. Bush. Tổng thống Obama sẽ được tháp tùng bởi Ngoại trưởng John Kerry, người từng tham gia chiến tranh Việt Nam và sau đó phản đối cuộc chiến này. Nhà Trắng cho biết chuyến thăm sẽ nhấn mạnh những tiến triển đạt được trong quan hệ hai nước, nhưng những vấn đề hậu quả chiến tranh chắc chắn sẽ được đề cập.

Cũng theo ABC News, vấn đề Biển Đông cũng sẽ là một trong những đề tài chính mà ông Obama thảo luận tại Việt Nam. Chính quyền Hoa Kỳ ngày càng lo ngại trước việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại các vùng biển tranh chấp mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền. Dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí kéo dài ba thập kỷ qua với Việt Nam (một nội dung mà ông Obama sẽ thảo luận với giới chức Hà Nội trong chuyến thăm) sẽ là cách để Hoa Kỳ giúp Việt Nam củng cố hệ thống phòng thủ.

Sau chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama sẽ tới Nhật Bản tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Ise-Shima. Theo kế hoạch, ông Obama sẽ có chuyến thăm lịch sử tới thành phố Hiroshima, nơi đã phải hứng chịu quả bom nguyên tử do quân đội Hoa Kỳ thả xuống trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Theo ABC News, việc Tổng thống Hoa Kỳ tới thăm Hiroshima là một nội dung đáng chú ý. Ông sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên tới địa điểm này, gần 71 năm sau khi Tổng thống Harry Truman quyết định thả quả bom nguyên tử. Tổng thống sẽ đặt vòng hoa và có bài phát biểu ngắn tại Đài Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima.

Nhà Trắng đã cho biết Tổng thống sẽ không xin lỗi về quyết định ném quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, nhưng thay vào đó đây sẽ là chuyến thăm “hướng về phía trước”, như một lời nhắc nhở thế giới cần loại bỏ vũ khí hạt nhân. Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu ông có gặp nhân vật nào sống sót từ vụ đánh bom nguyên tử đã khiến hơn 140.000 người thiệt mạng năm 1945 hay không? Nhà Trắng đã không bác bỏ khả năng này.

Thúc đẩy TPP cũng là một điểm nhấn của chuyến công du của ông Obama tại cả Việt Nam và Nhật Bản, theo ABC News. Đây là một phần trong chính sách xoay trục tới châu Á của ông Obama, và ông dự kiến sẽ nói về việc thúc đẩy hiệp định này trong bài phát biểu với các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như trong Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản.

Nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhận được cú hích lớn từ TPP. GDP của nước này sẽ tăng đến 10% vào năm 2030, khi ngành dệt may được hưởng lợi từ mức thuế thập, một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho biết.

*Một số tiến triển trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua:

Kể từ sau khi hai nước xác lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác toàn diện”, quan hệ Việt Nam – Mỹ đạt được những tiến triển mới, thực chất trên nhiều lĩnh vực, cả về song và đa phương.

Phía Mỹ cử nhiều đoàn thăm Việt Nam, nổi bật là: Ngoại trưởng John Kerry (8/2015), Bộ trưởng Quốc phòng Carter (6/2015), Cựu Tổng thống Bill Clinton (7/2014, 7/2015). Về phía Việt Nam thăm Mỹ có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7/2015), ký “Tuyên bố tầm nhìn chung quan hệ Việt – Mỹ”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (9/2015), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (9/2015). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ tại Sunnylands (2/2016), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Washington D.C. (4/2016).

Từ năm 2005, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức 20% trong những năm gần đây, đạt trên 45 tỷ USD năm 2015, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu.

Về đầu tư: đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam ước đạt 11,08 tỷ USD với 748 dự án (tính đến tháng 6/2015) , xếp thứ 7. Hai bên đã kết thúc đàm phán TPP và ký hiệp định vào tháng 2/2016, hiện đang phối hợp chặt chẽ để Quốc hội hai nước sớm thông qua.

Thời gian qua, phía Mỹ tiếp tục cử nhiều đoàn quốc phòng quan trọng thăm Việt Nam để thúc đẩy quan hệ, trong đó có Bộ trưởng Hải quân Ray Mabus (4/2015), Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (6/2015). Hai Bộ Quốc phòng đã ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ (6/2015); tổ chức đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 6 tại Washington DC (tháng 9/2015)...

Hai bên đã ký chính thức Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) ngày 06/5/2014; bước đầu hợp tác về khoảng không vũ trụ: NASA và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký Tuyên bố ý định chung (Joint Statement of Intent) về trao đổi hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu không gian (12/2011); Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và USAID ký Tuyên bố hợp tác về Khoa học Công nghệ (3/2015)…

Tính đến hết tháng 1/2016 có khoảng 28.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng thứ 7 trong số các nước có nhiều sinh viên học tập tại Mỹ  (năm 2006 đứng thứ 20). Ta đã cho phép đầu tư Dự án thành lập Đại học mô hình Mỹ ở Việt Nam (Đại học Fulbright). Lượng khách du lịch Mỹ đến Việt Nam trong năm 2015 đạt 491,2 nghìn lượt (tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái), xếp thứ 4 sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Hai bên đã ký Hiệp định mới về Hợp tác y tế và khoa học y học (6/2013); ký MOU về hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn (12/2013); phía Mỹ lần đầu tiên cam kết hỗ trợ cho người tàn tật bất kể nguyên nhân gì (trong Tuyên bố chung Cấp cao tháng 7/2013). Về chất độc da cam/dioxin: Mỹ thông qua 84 triệu USD cho dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng và 11 triệu USD trợ giúp về y tế cho người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc Da cam/dioxin (giai đoạn 2014-2016).

Theo Báo Thế giới và Việt Nam (tgvn.com.vn)