Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập UNESCO
Lượt xem: 64
Tôi rất vui mừng thay mặt Chính phủ Việt Nam đến dự buổi lễ long trọng tổ chức đúng vào Ngày Di sản văn hoá Việt Nam để kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) và 5 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận danh hiệu Di sản văn hoá thế giới cao quý.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh Quang Hòa)

Thưa Bà Katherine Muller Marine, Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam,
Thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý.

Tôi rất vui mừng thay mặt Chính phủ Việt Nam đến dự buổi lễ long trọng tổ chức đúng vào Ngày Di sản văn hoá Việt Nam để kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) và 5 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận danh hiệu Di sản văn hoá thế giới cao quý.
Như chúng ta đều biết Tổ chức Liên hợp quốc ra đời ngay sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2 và được trao sứ mệnh cao cả là duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, phản ánh nguyện vọng cháy bỏng của các dân tộc là không phải gánh chịu thảm hoạ của chiến tranh. Đó cũng là sứ mệnh hàng đầu của Tổ chức UNESCO, và vai trò của UNESCO trong Gia đình Liên hợp quốc là góp phần tạo nền tảng đoàn kết về đạo đức và trí tuệ cho hoà bình. Những trải nghiệm nghiệt ngã của hai cuộc chiến tranh thế giới liên tiếp xảy ra chỉ trong một quãng thời gian ngắn trong nửa đầu của Thế kỷ XX cho thấy chỉ những thoả thuận chính trị và kinh tế không đủ để xây dựng một nền hoà bình bền vững.  Hay nói như lời mở đầu của Hiến chương UNESCO là “bởi chiến tranh nảy sinh từ tâm trí con người, nên thành luỹ của hoà bình phải được xây đắp trong chính tâm trí con người.” 
Ngày nay, UNESCO là một tổ chức uy tín cao, có đông đảo thành viên và  nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực hoạt động chính của mình là giáo dục, văn hoá, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thông tin và truyền thông.  Các vấn đề thiết yếu của giáo dục như xoá nạn mù chữ, giáo dục cho mọi người, học tập suốt đời và tư tưởng giáo dục vì sự phát triển bền vững của Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc hướng tới năm 2030 mang đậm những dấu ấn của UNESCO.  Việc bảo tồn, phát huy các di sản của nhân loại thông qua các danh hiệu cao quý và sự đề cao đa dạng văn hoá giúp cho mỗi người chúng ta hiểu biết hơn, tự hào hơn về bản sắc, đất nước của mình, đồng thời cũng hiểu biết hơn các dân tộc khác. UNESCO được đánh giá cao về sự hỗ trợ dưới nhiều hình thức cho các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và tích cực thúc đẩy sự ra đời, phát triển của nhiều ngành khoa học. Cũng vì vậy, UNESCO còn được vinh danh là “tổ chức trí tuệ” của thế giới. Thay mặt Chính phủ Việt Nam tôi nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn mà UNESCO đã đạt được.
Thưa các Quý vị,
Là dân tộc có truyền thống yêu chuộng hòa bình, coi trọng giáo dục và thấm đẫm bản sắc văn hóa do ông cha để lại, nhân dân Việt Nam nhanh chóng gắn bó với tôn chỉ, mục đích hoạt động của UNESCO. Nhiều ý tưởng của UNESCO trùng hợp với khát vọng sống và vươn lên của dân tộc Việt Nam.  Như trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 14/1/1946 là nhân dân Việt Nam sẵn sàng và mong muốn thực hiện những điều khoản cao quý của Hiến chương San Francisco - Hiến chương Liên hợp quốc. Trong những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện đẩy đủ những nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, triển khai hiệu quả sáng kiến và chương trình hợp tác, đóng góp thiết thực vào công việc của UNESCO dưới các hình thức như chia sẻ kinh nghiệm, đảm nhận các trọng trách tại các cơ quan lãnh đạo và chuyên môn của UNESCO như Hội đồng chấp hành và Uỷ ban di sản thế giới.  Tại Đại hội đồng UNESCO lần thứ 38 vừa mới kết thúc, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng chấp hành nhiệm kỷ 2015-2019.  
UNESCO là tổ chức gần gũi với nhân dân Việt Nam và có nhiều đóng góp thiết thực cho từng gia đình, địa phương và cộng đồng dân cư.  UNESCO sớm hỗ trợ việc xây dựng phương pháp giáo dục, động viên học tập và đóng góp để học sinh các vùng miền, ở các hoàn cảnh khác nhau có thêm điều kiện được học tập sau khi chiến tranh kết thúc ở Việt Nam vào năm 1975.  Nhiều tri thức, kinh nghiệm của UNESCO là nguồn tham khảo quý cho việc xây dựng các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, giúp cho việc đổi mới tư duy, nâng cao năng lực trong các lĩnh vực liên quan.  Việc UNESCO tôn vinh  các danh nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định điểm tựa của niềm tin vào những sức mạnh bắt nguồn từ lòng yêu nước, trí tuệ và các giá trị chân, thiện, mỹ của dân tộc Việt Nam kết tinh ở những người con ưu tú nhất của mình.
Với Việt Nam, UNESCO đã công nhận 31 danh hiệu uy tín, gồm 8 di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, 9 di sản phi vật thể của thế giới, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới mà trong năm nay là Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang ở tỉnh Lâm Đồng, 4 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới và 1 công viên địa chất toàn cầu. Mới đây nhất, hai Viện Toán học và Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Trung tâm khoa học dạng 2 dưới sự bảo trợ của UNESCO.  Những vinh danh đó góp phần khơi dậy, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, du lịch, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, đồng thời tô đậm và làm phong phú hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. 
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin cám ơn sự ủng hộ quý báu của UNESCO, các tổ chức khác của Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên UNESCO, các lãnh đạo và cán bộ UNESCO qua các thời kỳ.  Tôi đánh giá cao những nỗ lực đóng góp của Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam, các cơ quan ở trung ương và địa phương, các tổ chức và các nhân của Việt Nam vào sự hợp tác Việt Nam – UNESCO và trong việc giữ gìn và phát huy những thành quả hợp tác đó.
Tôi xin chúc mừng Lãnh đạo và nhân dân Thủ đô Hà Nội về danh hiệu cao quý Di sản văn hoá thế giới mà UNESCO đã trao tặng cho Hoàng thành Thăng Long, đây cũng là niềm tự hào chung của cả nước. Những danh hiệu mà UNESCO trao tặng Thủ đô Hà Nội mang đầy ý nghĩa với Thủ đô và với cả nước, cùng với Di sản văn hoá thế giới Hoàng thành Thăng còn là danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”, danh hiệu Di sản phi vật thể đại diện nhân loại của Lễ hội Gióng và danh hiệu Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới của Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. 
Thưa các Quý vị,
Để UNESCO đáp ứng được mong đợi của các quốc gia thành viên và người dân trong bối cảnh thế giới ngày nay đang đứng trước nhiều vận hội mới, nhưng cũng phải ứng phó với những thách thức gay gắt, chúng tôi mong rằng UNESCO tiếp tục đi đầu trong việc thúc đẩy nền văn hoá hoà bình, tư tưởng khoan dung, việc chấp nhận và tôn trọng khác biệt văn hoá.  Chúng tôi đề nghị UNESCO đi sâu hơn và gần gũi hơn vào cuộc sống hàng ngày của người dân, đặc biệt là ở các nước đang phát triển bên cạnh việc xây dụng ý tưởng mới và các thiết chế pháp lý, cùng với đó là đẩy mạnh cải cách để UNESCO tinh gọn, hiệu quả hơn nữa, phát huy được thế mạnh của mình trong Gia đình Liên hợp quốc.
Những yếu tố quan trọng làm nên hiệu quả hợp tác Việt Nam-UNESCO là sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương với Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, việc chủ động xây dựng và thực hiện các chiến lược, kế hoạch hoạt động của mình trên các lĩnh vực liên quan đến UNESCO và bố trí các nguồn lực về tài chính, con người phù hợp.  Bên cạnh đó là việc nghiêm túc thực hiện các cam kết của Việt Nam đối với UNESCO, nhất là trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản thiên nhiên, di sản văn hoá thế giới. 
Thực tế 70 năm qua kể từ khi UNESCO ra đời và tình hình thế giới ngày nay khẳng định khả năng đóng góp,  đòi hỏi vai trò lớn hơn nữa, đồng thời chứng minh cho tính đúng đắn trong cách đề cập của UNESCO là phát huy sức mạnh của ý tưởng, trí tuệ, tri thức và đoàn kết.  
Việt Nam đã, đang và sẽ luôn sẵn sàng đóng góp tích cực vào công việc chung của Tổ chức UNESCO. Những thành tựu trong hợp tác Việt Nam – UNESCO và những tương đồng giữa các nội dung của đường lối đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam với các phương hướng hoạt động của UNESCO trong thời gian là những cơ sở quan trọng cho tương lai tốt đẹp của mối quan hệ hợp tác này.
Xin trân trọng cảm ơn.

 Theo Mofa.

Tin khác
1 2 3 4 5  ...