Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
CÁC LOẠI HÌNH TIỆC CHIÊU ĐÃI ĐỐI NGOẠI
Lượt xem: 7847
Tiệc chiêu đãi là một loại hình hoạt động ngoại giao quan trọng và phổ biến. Tiệc ngoại giao không những mang tính chất chính trị mà còn thể hiện tính văn hóa.

Tiệc chiêu đãi là một loại hình hoạt động ngoại giao quan trọng và phổ biến. Tiệc ngoại giao không những mang tính chất chính trị mà còn thể hiện tính văn hóa. Tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi khách là một dịp để bày tỏ sự trọng thị, mến khách nhằm tăng cường mối quan hệ và giới thiệu văn hóa ẩm thực. Sau đây là một số hình thức tiệc ngoại giao phổ biến:

Quốc yến (State banquet): đây là hình thức tiệc chiêu đãi trọng thể nhất. Tiệc này  thường do Nguyên thủ quốc gia chiêu đãi trong các dịp Nguyên thủ quốc gia nước ngoài đến thăm nhà nước, thăm chính thức hoặc những ngày quốc lễ quan trọng. Quốc yến thường là tiệc ngồi, được tổ chức chu đáo, trọng thị; nhiều nước cử quốc thiều trước khi tiệc bắt đầu; thực đơn được lựa chọn kỹ lưỡng, gồm những món ăn đặc sắc bao gồm món khai vị, món súp, món chính, món tráng miệng; đồ uống gồm rượu sâm-banh, rượu dân tộc truyền thống, rượu vang, rượu thơm (lúc kết thúc); phòng tiệc, bàn tiệc được sắp xếp trang trọng; thời gian tổ chức quốc yến thường vào buổi tối, cũng có thể tổ chức vào buổi trưa, nhưng vào buổi tối trọng thị hơn; trang phục khi dự tiệc được quy định laoị sang trọng.

Tiệc tối (Dinner): Tiệc này theo nhiều ngôn từ nước ngoài là bữa ăn tối, nhưng trong tiệc ngoại giao nó là tiệc chiêu đãi vào buổi tối. Tiệc tối là tiệc ngồi, được mời để chiêu đãi các cấp khách; thực đơn tiệc tối không cầu kỳ như đối với Quốc yến; đồ uống gồm rượu vang, rượu dân tộc, rượu thơm (lúc kết thúc), nước khoáng; trang phục được quy định tùy theo tính chất bữa tiệc.

Tiệc trưa làm việc (Working lunch) hoặc Tiệc tối làm việc (Working dinner): đây là tiệc ngồi và là tiệc vừa ăn vừa vừa trao đổi công việc. Nói chung hai bữa tiệc này giống như tiệc trưa, tiệc tối. Đối với tiệc trưa làm việc hoặc tiệc tối làm việc, nhiều nước xếp chỗ ngồi xen kẽ giữa chủ và khách, nhưng một số nước xếp chỗ ngồi theo  bàn dài và mỗi đoàn ngồi một bên như khi ngồi hội đàm.

Tiệc buýp-phê (Buffet): tiệc buýp-phê được sử dụng cho cả bữa tối (Buffet-dinner) và bữa trưa (Buffet-lunch). Tiệc buýp-phê là tiệc đứng, nhiều món ăn; phần lớn các món ăn nóng được để trong lòng hấp, khách tự lấy thức ăn. Tiệc buýp-phê là tiệc đứng nhưng có thể kê bàn ghế để khách lấy thức ăn đến ngồi tại bàn, không cần xếp chỗ.

Tiệc tiếp khách (Reception): là loại tiệc dứng; thực đơn thường có các món nhắm nhỏ đặt trong khay và được người phục vụ mang đi mời. Tiệc tiếp khách được tổ chức trong nhiều dịp như nhân dịp kỷ niệm ngày lễ lớn như ngày Quốc Khánh hoặc có đoàn từ trong nước đến thăm, hoặc nhân dịp sự kiện quan trọng cần mời đông khách. Tiệc này có thuận lợi là có thể mời được số lượng khách đông, dễ phục vụ; thời gian mời thường bắt đầu vào lúc 11 giờ - 12 giờ hoặc từ 17 giờ - 18 giờ và kéo dài khoảng 90 đến 120 phút. Gần đây một số nước tổ chức tiệc tiếp khách có thực đơn gồm các món ăn gần như tiệc buýp-phê.

Tiệc rượu (Cocktail): là loại tiệc đứng giống như tiệc tiếp khách; thực đơn thường có các món nhắm nhỏ đặt trong khay và được người phục vụ mang đi mời. Với tên gọi tiệc rượu nên đồ uống là chủ yếu. Đồ uống bao gồm một số loại rượu nhẹ, rượu pha kiểu cocktail, bia, nước ngọt các loại.

Tiệc trà (Tea party): tiệc này được coi là tiệc ngọt, thời gian tổ chức có thể vào buổi chiều hoặc buối sáng (buổi chiều là phổ biến). Thực đơn tiệc trà nhẹ nhàng, đơn giản, gồm bánh kẹo, hoa quả, trà, cà phê, nước giải khát. Tiệc này thường được xếp theo hình thức ngồi sa-lông. Nội dung trong tiệc trà là để gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện về những vấn đề văn hóa, xã hội, mỹ thuật.

Trên đây là một số loại hình về tiệc chiêu đãi phổ biến trong ngoại giao và cũng được áp dụng rộng rãi trong các hoạt động đối ngoại nói chung. Khi dự kiến tổ chức một bữa tiệc, ta nên cân nhắc hình thức tiệc cho thích hợp để bảo đảm yêu cầu chính trị và phù hợp với tính chất lễ tân.